Những sự cố về tràn dầu luôn là mối lo ngại lớn nhất cho môi trường, bởi nó gây hại cho cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Dưới đây là những ảnh hưởng của tràn dầu đến môi trường.
Ảnh hưởng của tràn dầu đến môi trường nước
Vùng biển Việt Nam là loại biển mở nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là một trong những trục hàng hải có lưu lượng tàu bè qua lại rất lớn, trong đó 70% là tàu chở dầu.
Tuy nhiên, từ năm 1989 đến nay, vùng biển Việt Nam có khoảng 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, các vụ tai nạn này đều đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu.
Qua rất nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy, sự cố tràn dầu ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường biển, đặc biết đối với hệ sinh vật phù du, tảo biển, rừng ngập mặn, hệ thủy – hải sản, du lịch và hoạt động giải trí,…
Sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm khả năng sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái. Hàm lượng dầu trong nước tăng cao, các màng dầu làm ngăn sự trao đổi ôxy giữa không khí và nước, làm cán cân điều hòa oxy trong hệ sinh thái bị đảo lộn.
Điều đáng báo động là dầu lan trên biển và dạt vào bờ trong thời gian dài không được thu gom sẽ làm suy giảm lượng cá thể sinh vật, gây thiệt hại cho ngành khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Dầu gây ô nhiễm môi trường nước làm cá chết hàng loạt do thiếu ôxy hòa tan. Dầu bám vào đất, kè đá, các bờ đảo làm mất mỹ quan, gây mùi khó chịu đẫn đến doanh thu của ngành du lịch cũng bị thiệt hại nặng nề. Nạn tràn dầu còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng cá, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển. Do dầu trôi nổi làm hỏng máy móc, thiết bị khai thác tài nguyên và vận chuyển đường thủy.
Ảnh hưởng của tràn dầu đến môi trường đất
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến môi trường nước, sự cố tràn dầu còn gây nguy cơ ô nhiễm đất nặng. Chỉ cần một lớp dầu tràn trên mặt đất, dù là rất mỏng nhưng cũng sẽ khiến cho nền đất bị “ngạt thở” vì thiếu không khí, quá trình trao đổi khí bị ngắt đoạn.
Sống trong sự thiếu oxy, bất kể là con người hay các loại động thực vật, vi sinh đều dẫn tới cái chết. Lớp dầu bị tràn này cũng vậy, nó sẽ ngăn cản quá trình trao đổi năng lượng mặt trời tới môi trường đất.
Dầu còn là chất không hòa tan trong nước, chính vì thế khi tràn trên đất, dầu còn đẩy nước ra ngoài làm cho môi trường đất mất đi nước và chiếm hết các khoảng không khí trong đất, làm cho đất giảm thiểu oxy và nước, điều này gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Các kết cấu và đặc tính lý hóa tính của đất bị thay đổi, khiến các hạt keo đất trơ ra và mất đi khả năng hấp thụ – trao đổi.
Ngoài ra, khi dầu thấm qua đất xuống mạch nước ngầm, gián tiếp gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu con người sử dụng chính nguồn nước đó để sinh hoạt hàng ngày thì hậu quả còn khôn lường hơn nữa, không chỉ ảnh hưởng tới môi trường mà còn gây hại cho chính sức khỏe con người. Hậu quả đến sức khỏe khi tiếp xúc với đất ô nhiễm rất khác nhau tùy thuộc vào loại chất gây ô nhiễm mà từ đó sẽ sinh ra nhiều bệnh tới con người.
Có thể thấy, các sự cố tràn dầu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế – xã hội, mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái đất liền và biển. Để góp phần phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn các sự cố có hiệu quả, chúng ta cần nắm bắt và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu thường xuyên tại các địa phương.