Chiều ngày 12/11, tại cảng Cửa Cấm (Hải Phòng), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng đại diện các Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, và các Cục Hàng hải Việt Nam, Cục đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ hàng hải Hải phòng, Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải Miền bắc đã tới khảo sát công nghệ xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của Công ty CP Tư vấn đầu tư công trình hàng hải Việt Nam (MCIC).
Giới thiệu về hệ thống xử lý bùn nạo vét với quy mô công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị của MCIC – Ông Trần Thành Trung chia sẻ: Sau 7 năm tìm kiếm giải pháp và nghiên cứu các công nghệ xử lý bùn trên thế giới, MCIC đã đầu tư và tiếp nhận chuyển giao công nghệ lõi K-DPM từ AOMI – Tập đoàn xây dựng hàng đầu Nhật Bản. Hệ thống xử lý bùn nạo vét thành vật liệu san lấp của MCIC được phát triển trên công nghệ lõi K-DPM với nguyên lý hòa trộn dòng khí nén – công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới trong thời điểm hiện tại.
Công nghệ ổn định bùn bằng xi măng bằng phương pháp trộn dòng khí nén này đã được ứng dụng thành công cho rất nhiều dự án lớn trên thế giới như: Sân bay Chubu Nhật Bản (năm 2002); Cảng Nanao Nhật Bản (năm 2005); Sân bay Quốc tế Tokyo Nhật Bản (năm 2009); cải tạo Vịnh Marina Singapore (năm 2011); Dự án Sigmaplan vùng Flander Bỉ (năm 2013); Cảng Tanjung priok Indonesia (năm 2013); Sân bay Đông Changi Singapore (năm 2014); Cảng NewYork Mỹ (năm 2015).
Sau khi hoàn thiện chuyển giao công nghệ lõi K-DPM vào tháng 10/2022, MCIC đã tiến hành thử nghiệm với mẫu bùn yếu điển hình tại Hải Phòng. Toàn bộ quá trình thí nghiệm mẫu bùn và quá trình kiểm soát chất lượng, đánh giá chất lượng sản phẩm đầu ra áp dụng theo Tiêu chuẩn Nhật Bản.
Quá trình thử nghiệm cho thấy, công nghệ ổn định bùn bằng xi măng có thể tạo ra được vật liệu có cường độ theo yêu cầu, từ 1kg/cm2 đến 3kg/cm2. Với tỷ lệ thử nghiệm 100kg XM/1m3 bùn, sản phẩm có kết quả vượt trội so với cát san lấp hiện nay: Kết quả nén UCS (28 ngày) đạt 2,5 – 3,0kg/cm2; Chỉ số xuyên côn >800Kpa.
Đặc biệt, với tính năng không hóa lỏng trong nước, khả năng xử lý bùn đặc nguyên dạng (thi công bằng xáng cạp) từ hệ thống tiếp nhận bùn đầu vào và đóng rắn ngay sau 5h, phương án này rất phù hợp cho việc thi công nạo vét kết hợp đồng thời san lấp mặt bằng tập trung như: Cảng biển, khu công nghiệp, quy hoạch lấn biển,…
Với những lợi ích lớn về bảo vệ môi trường và phát triển hạ kinh tế – hạ tầng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao vai trò tiên phong của MCIC bởi tầm nhìn của công nghệ này không những góp phần tháo gỡ nút thắt về nạo vét và san lấp hiện nay mà sẽ giúp cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
“Tuy nhiên, đặc thù chi phí xử lý còn cao nên phương pháp này phù hợp áp dụng đối với các cảng đầu tư xây dựng mới, khi khu vực san lấp rất gần nơi nạo vét, các khu vực khó khăn về nguồn vật liệu san lấp”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định, đồng thời, yêu cầu Cục Hàng hải VN phối hợp với Vụ KHCN&MT tổ chức hội thảo với các chủ đầu tư cảng xây dựng mới và các đơn vị tư vấn đầu ngành để xem xét việc ứng dụng công nghệ vào các dự án phát triển cảng trong tương lai.
—————
Đ𝑒̂̉ 𝑡𝑖̀𝑚 ℎ𝑖𝑒̂̉𝑢 𝑡ℎ𝑒̂𝑚 𝑣𝑒̂̀ 𝑐𝑜̂𝑛𝑔 𝑛𝑔ℎ𝑒̣̂ 𝑛𝑎̀𝑦, 𝑣𝑢𝑖 𝑙𝑜̀𝑛𝑔 𝑙𝑖𝑒̂𝑛 ℎ𝑒̣̂ 𝑡𝑟𝑢̛̣𝑐 𝑡𝑖𝑒̂́𝑝 𝑣𝑜̛́𝑖 𝑐ℎ𝑢́𝑛𝑔 𝑡𝑜̂𝑖:
Website: xulybundnb.myharavan.com/